Tất tần tật về Crowdfunding

Khi nói đến các hình thức gọi vốn cho một dự án startup, thuật ngữ gọi vốn cộng đồng hay còn gọi là crowdfunding vẫn thường được nhắc đến khá nhiều trên các trang tin khởi nghiệp.

Vậy crowdfunding là gì? Nguồn gốc của crowdfuding và các đặc điểm của mô hình crowdfunding hiện đại ra sao? Bài viết dưới đây, Verco sẽ giới thiệu đến các bạn các nội dung vừa nêu để các bạn có cái nhìn sơ lược về crowdfunding.

1. Crowdfunding là gì?

Crowdfunding là gì

Nói ngắn gọn, crowdfunding là hình thức kêu gọi sự góp đỡ của cộng đồng để giúp chủ một dự án hay người nghĩ ra một ý tưởng hoàn thành những dự án hay sản phẩm của họ khi họ có ý tưởng nhưng lại không có tiền để thực hiện dự án của mình.

Để hình dung cụ thể hơn về hình thức crowdfunding, ta có thể định nghĩa về crowdfunding như sau: Khi bạn có ý tưởng về một giải pháp mang lại lợi ích cho cộng đồng nhưng bạn không có vốn, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng để thực hiện dự án, bạn gặp gỡ mọi người, trình bày ý tưởng, kêu gọi ủng hộ tài chính từ cộng đồng để bạn thực hiện ý tưởng của mình. Hình thức gọi vốn này gọi là crowdfunding.

2. Nguồn gốc của crowdfunding

Lịch sử bắt đầu của dự án crowdfunding là mô hình quỹ tín dụng cho các hộ gia đình nông thôn nhỏ của Ireland khi họ không thể tiếp cận được ngân hàng. Quỹ này cho những người nông dân vay những khoản tiền nhỏ để sản xuất và kinh doanh. Người vay sau khi làm ăn có lời họ trả cả vốn và đóng góp một phần lợi nhuận để góp vào quỹ này. Số tiền quỹ này quản lý lại tiếp tục cho những người nông dân khác vay.

Mô hình này vẫn còn phát triển đến ngày nay với Kiva là một web điển hình. Crowdfunding hiện đại theo mô hình trả thưởng bắt nguồn từ việc vận động xây tượng Nữ thần tự do. Sau đó năm 2007 và 2009 đánh dấu sự ra đời của web crowdfunding Kickstarter và Indiegogo. Năm 2011 được đánh dấu là năm bùng nổ của loại hình kêu gọi quỹ cộng đồng này bên Mỹ. Đến năm 2012, Mỹ có luật chính thức cho loại hình này. Còn tại Việt Nam, Ig9 là trang crowdfunding đầu tiên tại thị trường Việt Nam, Ig9 ra mắt năm 2013.

3. Vậy crowdfunding hiện đại có gì mới?

Với sự phát triển của Internet, mọi người giao tiếp với nhau trên mạng nhiều hơn, nắm bắt thông tin nhanh hơn và xa hơn. Khi ngồi ở tại Việt Nam bạn vẫn có thể biết được những ý tưởng đột phá từ bên kia Trái Đất. Khi bạn có nhu cầu đóng góp cho mộtdự án crowdfunding, các công cụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến như Paypal, thẻ thanh toán quốc tế Visa – Mastercard, Amex – JCB, … có thể hỗ trợ cho nhu cầu của bạn. Tất cả các hoạt động này có thể đều diễn ra trên internet, đó chính là điểm khác biệt lớn của crowdfunding hiện đại.

4. Lợi ích của Crowdfunding

Đầu tiên, chắc chắn đó là tiền. Đơn giản vì đây là mô hình gọi vốn cộng đồng, nhờ nó bạn có thể sở hữu nguồn vốn rất lớn mà không phải đi vay mượn. Nhưng bên cạnh đó bạn còn vô số lợi ích khi tham gia vào crowdfuding.

Với những cộng đồng nói trên, bạn sẽ biết được ý tưởng của mình thu hút tới đâu dựa vào những bình luận và lượng người đầu tư. Thậm chí trong những nhà đầu tư có rất nhiều người là founder của startup có tiếng tăm, những người đó có thể đưa ra cho bạn nhiều gợi ý đáng giá.

Mỗi người đầu tư vào dự án của bạn cũng cho thấy đó đều là khách hàng tiềm năng và gần như chắc chắn sử dụng/mua sản phẩm khi nó được bán ra thị trường. Vậy là nỗi lo liệu sản phẩm bán ra có được ủng hộ hay không đã được giải quyết phần nào.

Đó chỉ là những lợi ích dễ dàng nhận thấy nhất của crowdfunding, chắc chắn khi tham gia bạn sẽ thấy nhiều bất ngờ hơn nữa và nghĩ rằng: Tại sao mình không biết tới nó sớm hơn?

– Bạn nhận được tiền để hoàn thành dự án của mình.

– Bạn giữ quyền kiểm soát về vốn chủ sở hữu cũng như quyền độc lập sáng tạo của mình.

– Bạn nhận được sự đánh giá nhiệt tình và sự quan tâm của cộng đồng đối với dự án của mình.

– Bạn có cơ hội tạo ra sự đồng cảm với những người hâm mộ dự án của mình để từ đó có thêm động lực tiếp tục đầu tư nhiều tình cảm lớn hơn cho sản phẩm, thương hiệu của bạn.

– Bạn có thể khởi động chiến dịch marketing và biến những người hâm mộ thành những người truyền bá thương hiệu cho mình.

– Những người ủng hộ (Backer) cảm thấy như thể họ là người nắm cổ phần cá nhân trong dự án của bạn, điều này làm cho những người ủng hộ (Backer) này chủ động gia nhập để trở thành một phần trong phương tiện truyền thông xã hội và những đội marketing của bạn.

– Crowdfunding là một cách tiện dụng để nâng cao nhận thức của cộng đồng cho các dự án của bạn.

– Bạn có thể tạo ra một số dư luận xung quanh dự án của bạn, điều này sẽ giúp bạn khi bạn ra mắt dự án hoặc sản phẩm trong dự án của mình.

– Đây là một điều khá thú vị và crowdfunding cũng là một cách tuyệt vời để bạn có cơ hội mở rộng các kết nối xã hội của mình.

– Cho dù thành công hay thất bại, quá trình crowdfunding cũng sẽ cung cấp cho bạn một trải nghiệm học tập không quá tốn kém – những gì bạn mất đi từ quá trình này sẽ là một ước lượng chủ quan, nhưng chắc chắn rằng đây sẽ là những trải nghiệm quý báu, những kiến thức này sẽ giúp bạn áp dụng cho các dự án và các chiến dịch trong tương lai của bạn.

Với 10 lợi ích hấp dẫn trên thì 3 lợi ích lớn nhất với các chủ dự án tại Việt Nam là việc:

– Bạn nhận được tiền để hoàn thành dự án của mình.

– Bạn quảng bá cho ý tưởng/sản phẩm mới của mình và người tài trợ là khách hàng tiềm năng.

– Cho dù crowdfunding thành công hay thất bại thì những trải nghiệm quý báu, những kiến thức này sẽ giúp bạn áp dụng cho các dự án và các chiến dịch trong tương lai của bạn.

5. Các lĩnh vực có thể gọi vốn cộng đồng

Tại Việt Nam, đa phần các startup kêu gọi crowdfunding đều liên quan tới công nghệ hoặc xuất bản sách, tuy nhiên thực tế mô hình này áp dụng cho tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, miễn là ý tưởng của bạn khả thi và đủ thu hút.

Chính vì vậy, dù bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản hay sản xuất máy móc công nghiệp, bạn cũng có thể tìm tới những cộng đồng crowdfunding để gọi vốn. Đừng ngần ngại, sân chơi này dành cho tất cả mọi người.

Dạo một vòng các trang web hoạt động trong lĩnh vực Crowdfunding trên thế giới như KickStarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp,.. ta có thể thấy vô vàn loại hình và lĩnh vực mà các dự án mời gọi gây quỹ: từ phim ảnh, ca kịch, chương trình từ thiện, dự án dân sinh, game đến nghiên cứu khoa học, bất động sản, start-up,…

6. Các hình thức gọi vốn của Crowdfunding

Hiện nay có 5 hình thức crowdfunding phổ biến:

6.1 Nhận quà tri ân

Đây là hình thức huy động vốn thực hiện những ý tưởng mới, đột phá và chưa bao giờ có. Số tiền tài trợ được chia theo từng gói, mỗi gói là một phần quà tương ứng. Người tài trợ sẽ nhận được quà khi dự án thành công, không xét đến lợi nhuận hay cổ phần sở hữu.

6.2 Góp vốn cho vay

Đây hình thức phù hợp cho các doanh nghiệp đã thành lập nhưng tài sản thế chấp không đủ thuyết phục ngân hàng nào. Vốn vay được lấy từ vốn góp của cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này nhằm tạo ra dòng vốn luân chuyển lớn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

6.3 Góp cổ phần

Hình thức này không khác việc mua cổ phiếu một công ty mới có tiềm năng. Người đầu tư nhận lại cổ phần và lợi nhuận nếu công ty kinh doanh có lãi.

6.4 Ủng hộ dự án từ thiện

Đây là hình thức các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ khi vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trung tâm bảo trợ… Hình thức này không xét đến việc phải có quà tri ân, lợi nhuận hay cổ phần.

6.5 Hình thức lai

Đóng góp từ thiện gửi quà tri ân, đóng góp cổ phần tặng thẻ thành viên giảm giá trọn đời hoặc gửi tặng quà cho những ai góp vốn cho công ty vay vốn làm ăn.

Trong thời điểm hiện tại, số lượng người dùng internet ngày càng tăng, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ngày càng nhiều nhưng vốn mạo hiểm cho những ý tưởng không dành cho tất cả các ý tưởng, crowdfunding sẽ là một trong các giải pháp để các dự án khởi nghiệp tập hợp nguồn lực tài chính và đánh giá tiềm năng cho quá trình phát triển ban đầu của dự án.

7. Làm thế nào để crowdfunding?

Để thực hiện crowdfunding, chúng ta cần có sự chuẩn bị, thông thường theo các bước như sau:

– Lên kế hoạch bao gồm chọn dự án, phần thưởng crowdfunding, vốn chủ sở hữu: Một chiến dịch crowdfunding cần phải có kế hoạch cụ thể, với một kết quả rõ ràng để có thể kêu gọi được tài trợ.

– Viết ngân sách và thiết lập các mục tiêu tài chính cụ thể: Lên một bản ngân sách chi tiết, rõ ràng về số tiền bạn cần để có thể yêu cầu mọi người tại trợ. Ngân sách này bao gồm cả tiền hoa hồng phải trả cho các trang web crowdfunding mà bạn đăng dự án lên, ngân sách cho các phần thưởng cần trả các nhà đầu tư.

– Lựa chọn hình thức crowdfunding: Tùy vào dự án và chiến lược phát triển dự án của bạn mà bạn lựa chọn hình thức crowdfunding phù hợp ở mục 5.

– Gửi dự án lên các trang crowdfunding uy tín nhất và quảng bá chúng: Sau khi đưa chiến dịch lên các trang để kêu gọi crowdfunding. Chúng ta cần có một chiến dịch trực tuyến phối hợp với đồng đội, cố gắng để những người ủng hộ trung thành của bạn đóng góp ngay khi đưa dự án lên, để thể hiện nhu cầu và thực hiện quyên góp (sitting).

Tiếp theo, mời cộng đồng của bạn qua mail, phương tiện truyền thông xã hội để thực hiện tài trợ với cam kết bằng phần quà, tiền mặt, … Khuyến khích mọi người chia sẻ chiến dịch của bạn khi họ thực hiện đóng góp.

– Chọn mức đóng góp và quà tặng mong muốn: Sẽ có nhiều nhà đầu tư vối các mức đóng góp và các yêu cầu khác nhau. Bạn cần lựa chọn crowdfunding nào phù hợp với dự án của mình.

– Nhận vốn sau khi kết thúc huy động: Sau khi kết thúc huy động bạn sẽ phải trả hoa hồng cho các web crowdfunding. Sau đó nhận số tiền đã huy động về để thực hiện dự án.

– Thực hiện dự án và chia sẻ, cập nhật liên tục tin tức dự án: Những người tài trợ cần có quyền cập nhật thường xuyên về tiến độ của chiến dịch và các kết quả đã đạt được. Cần cảm ơn nhà tài trợ khi họ đóng góp, và hãy cho họ biết khoản tiền của họ đang và sẽ tạo ra những gì.

8. Crowdfunding ở đâu?

Hai website hàng đầu trong việc hỗ trợ các startup gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là KickStater và Indiegogo thành lập nă, 2009 và 2007. Mục đích chúng cả cả hai website trên đều là nền tảng hỗ trợ chủ dự án tiếp cận với các nhà đầu tư để kêu goi vốn phát triển startup.

KickStarter

KickStarter nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư và là địa chỉ tin cậy của chủ dự án bởi chính sách chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên. Tại đây công ty cũng áp dụng chính sách kêu gọi hết hoặc không kêu gọi. Mỗi dự án gửi tới KickStarter đều phải nêu rõ ngành nghề, mục đích. Nếu dự án phục vụ cho cá nhân, từ thiện hoặc tài trợ cho chính bản thân người kêu gọi sẽ không được chấp nhận.

Mỗi dự án thành công tại đây đều phải có mục tiêu hợp lý, cần hoàn thành mục tiêu đó trong khoảng thời gian 30-40 ngày và phải đảm bảo việc chính sách hỗ trợ người đầu tư hoặc quà tặng được gửi đi đúng như cam kết.

Mới đây KickStarter đã tuyên bố họ kêu gọi được hơn 2 tỷ USD tiền đầu tư cho các dự án kể từ khi thành lập, tổng số dự án tính tới hiện tại là 95.000 với 9,8 triệu nhà đầu tư cá nhân. Khi dự án được phê duyệt trên KickStarter, họ chỉ thu phí “làm mối” nếu dự án thành công.

Đã có một số startup Việt Nam kêu gọi vốn thành công trên KickStarter ví dụ như Code4Startup.

Indiegogo

Nếu như dự án trên KickStarter phải có mục đích rõ ràng và không mang tính cá nhân thì Indiegogo lại nới lỏng hơn khi cho phép gọi vốn tất cả các lĩnh vực.

Tại Indiegogo, khi bạn có ý tưởng và cần nguồn vốn đều có thể đăng dự án lên website, miễn là bạn có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng để nhận tiền.

Hai hình thức được áp dụng trên Indiegogo là Linh hoạt và Cố định:

– Linh hoạt: Chủ dự án vẫn nhận được đóng góp cả khi không đạt được số vốn kỳ vọng đưa ra ban đầu.

– Cố định: Chủ dự án chỉ nhận được đầu tư khi con số chạm mốc mục tiêu đưa ra.

Hiện tại Indiegogo có 15 triệu người dùng thường xuyên tớ từ 224 nước và vùng lãnh thổ mỗi tháng, tỷ lệ thành gọi vốn thành công tại đây chỉ gần 1 nửa tổng dự án, đạt 47% và công ty cũng tính phí cho dự án gây quỹ thành công. Điểm thú vị là khoản phí trả cho Indiegogo khi gây quỹ thành công thấp hơn so với KickStarter, nhưng chủ dự án vẫn phải nộp phí kể cả khi dự án thất bại.

Con số 47% cũng dễ hiểu bởi Indiegogo cho phép gọi vốn ở tất cả các lĩnh vực nên số lượng dự án sẽ nhiều và khó kiểm soát hơn so với KickStarter.

Nếu bạn cần sự linh hoạt trong gọi vốn và dự án không thuộc lĩnh vực cụ thể thì Indiegogo là lựa chọn hợp lý, còn nếu như startup chuyên về công nghệ hoặc hội họa, mỹ thuật, làm phim thì KickStarter là địa chỉ không thể bỏ qua.

About mey

NGOCVUXXL

TRINH NGOC VU

Working as a full-time world explorer!